Tôi muốn được hạnh phúc (Thế có là đòi hỏi quá cao không?)

Mình muốn được hạnh phúc, vậy có phải là một mục tiêu không thực tiễn không?

Và không phải thì suy cho cùng là tất cả những gì bọn mình đang làm thì đều tiến dần hơn tối hạnh phúc à?

Bạn đi học vì bạn muốn được hòa đồng, muốn cảm thấy bằng bạn bằng bè, muốn có được sự công nhận từ nhà trường, thầy cô và cha mẹ, muốn chuẩn bị bản thân đầy đủ cho tương lai? Bên dưới tất cả những lí do đó là gì… là cuộc truy tìm hạnh phúc?

Người mẹ mắng con cái? Tìm hạnh phúc thông qua một hình ảnh kiểu mẫu mà mẹ có cho con mình.

Người thanh niên nghiện rượu? Tìm hạnh phúc thông qua bình chất lỏng đấy.

Trẻ con đòi kẹo và đòi mẹ? Cũng là tìm hạnh phúc.

Cái khó khi nói về hạnh phúc là nó không phải cái dễ đo đếm được. Nên bạn không thể đặt một mục tiêu SMART (hạnh phúc là cụ thể làm những gì, khi nào có được và mức độ thành công ra sao).

Nên hầu hết bọn mình chọn những thứ trung gian dễ đo đếm được hơn là bản thân của hạnh phúc?

Hạnh phúc là yêu à? Thế thì chọn xem người yêu của mình thật là xinh, nhìn phải thật hấp dẫn, rồi cố gắng làm tình càng nhiều lần, thì bạn sẽ càng hạnh phúc. Nếu chuyện không tốt, thì lại cố gắng tìm một người khác.

Hạnh phúc là sự công nhận của người khác? Thế thì chúng mình cố gắng trở nên thật là cool trong mắt người khác, mua quần áo thật xịn, có thật là nhiều bạn và thật nhiều likes và follow trên các trang mạng xã hội.

Hạnh phúc là giàu sang và thành công? Thế thì định xem lương của mình bao nhiêu, và làm sao để kiếm được càng nhiều tiền càng tốt.

Thế thì dựa vào những cách đó, bọn mình có thể thấy cách tìm hạnh phúc đối với hầu hết mọi người là:

  1. Cách tạo ra Hạnh phúc là việc duy trì mức độ thỏa mãn về cảm xúc, thể xác nhất định.
  2. Cách tạo ra Hạnh phúc là hạn chế những việc xấu sẽ xảy đến với chúng mình.

Và đó, để hài lòng với cuộc sống, chúng mình thực hiện theo hai cách đó. Nhưng mình không nghĩ đây là cách sống khôn ngoan để theo đuổi.

Không cần ngồi lại suy ngẫm nghiêm túc, mình nghĩ ngay từ chính trong cuộc đời của bạn, cũng sẽ có đầy những ví dụ về việc những cách phía trên không đem lại được Hạnh phúc một cách bền vững.

Không quan trọng bạn đã và đang có cái gì, bạn vẫn sẽ muốn hơn nữa. Chỉ 3 tuần trước thì cái iPhone mà mình đang dùng để quay này là cái mình vô cùng quý giá, vì nó mới, nó xịn và mình đã đợi rất lâu để được nâng cấp. Nhưng giờ, nó là thứ bình thường. Và chỉ vài năm nữa thôi, mình sẽ lại muốn điện thoại khác.

Rồi về công việc, về điện tử, về mọi thứ. Chúng mình đều muốn hơn nữa, hơn nữa, hơn nữa.

Đó là cách đầu óc chúng mình hoạt động, luôn luôn không hài lòng với những gì chúng mình đang có. Và vì vậy, hạnh phúc theo cách này sẽ chỉ là những khoảng 15 giây đến 1 ngày ngắn ngủi khi vạch đích đến. Rồi lại bắt đầu một cuộc đua mới.

Và đúng là trò đùa nghiệt ngã này không hề dễ chịu. Có thể ngày tệ nhất trong đời của bạn không phải là ngày mọi thứ đổ vỡ, hay ngày bạn cảm thấy cuộc sống thật là khó khăn. Mà sẽ là ngày mọi thứ đi đúng ý bạn, nhưng bạn vẫn sẽ như thế không đủ.

Ngày tệ nhất có thể sẽ là ngày mà chúng mình đạt được một mục tiêu lớn nào đấy, và nhận ra nó vẫn không đủ, mình vẫn muốn nhiều hơn nữa.

Còn về việc ngăn chặn những gì xấu sẽ xảy đến với chúng mình, một lần nữa đấy cũng không phải là một cách bền vững.

Có những thứ sẽ luôn nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.

Người thân sẽ mất. Xã hội có thể thay đổi và nền kinh tế có thể sẽ sụp đổ. Và bạn chẳng có thể làm gì khi những điều không hay xảy ra.

Vậy nếu bạn chỉ hạnh phúc được khi mọi thứ đang đi đúng ý bạn, thì cuộc sống này sẽ hạnh phúc được bao nhiêu?

Và như ý trên, thậm chí kể cả khi mọi chuyện đang theo đúng ý mình thì đầu óc của chúng mình vẫn sẽ tìm cách để không hài lòng với nó.

Khá là trớ trêu trên con đường tìm đến hạnh phúc nhỉ?

Càng lớn hơn thì mình càng thấy có quá nhiều bẫy trên con đường này. Và đúng là hiện tại, khi cuộc sống mình mọi thứ đang đi theo đúng lộ trình thì cũng là lúc mình đang thấy bất ổn nhất.

Mình có công việc tốt, mình sắp ra trường (điều mà mình vẫn luôn muốn). Mình có người yêu xinh xắn và có gu hài hước hợp với mình. Và lần đầu trong đời mìn có khả năng theo đuổi những sở thích của mình lâu đến thế, với việc tập thiền và với cả việc thử làm Youtube thế này.

Nhưng nó vẫn không đủ. Mình đã từng nghĩ là khi có những thứ này thì ngày nào mình sẽ phải tràn đầy năng lượng, đam mê và sung sướng bật ra khỏi giường.

Nhưng mà không không, mọi thứ vẫn vậy.

Và có lẽ kể cả khi mình “thành công” hơn nữa, có lẽ tình huống vẫn sẽ như vậy.

Đạo Phật có nói đây là sự thật đầu tiên về cuộc sống: đời là bể khổ.

Dù chúng mình ở đâu, dù chúng mình làm gì, vẫn sẽ có hạt giống đó gieo trong mọi khoảnh khắc. Đôi khi nhiều, đôi khi ít. Đôi khi dữ dội, đôi khi chỉ như những cái thì thầm nản chí.

Nhưng nó vẫn ở đấy, cái khổ. Và mình thấy càng ngày càng nghi ngờ về cách trốn chạy cái khổ để tiến tới hạnh phúc mà chúng mình được dạy từ tất cả mọi người.

Đạo Phật dạy con người phải tu tâm sửa tính, luyện tập về Đạo đức, về Sự tập trung và về sự Thông tuệ để gỡ cuộc sống dần khỏi khổ đau. Một khi chúng ta buông dần những ham muốn, ta sẽ biết chấp nhận nhiều hơn về bản thân và cuộc sống. Từ đó mà bớt khổ.

Chủ nghĩa Khắc kỷ xuất phát từ Hy Lạp cổ đại dạy con người phải biết cách sống bình thản trước khó khăn, ngẫm nghĩ về sự ngắn ngủi của số phận con người và làm bạn với cái khổ đó. Để tìm sức mạnh vượt qua nỗi khổ đó.

Bài học ở đây là gì hả các bạn? Mình cũng không rõ là mình có đủ năng lực và kinh nghiệm để thuyết giảng cho bạn về con đường tìm đến hạnh phúc phải thế nào.

Mình chỉ đang muốn chia sẻ về góc nhìn này, và hai đầu mối mà hiện tại mình đang theo đuổi là tâm linh và triết học, để giúp mình tiến gần hơn tới mục tiêu về Hạnh phúc này.